08/01/2018 12:00

Nóng thu phí tác quyền ở khách sạn, quán cà phê

Sau khi thông báo mở rộng thu phí tác quyền, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vấp phải không ít “gạch đá” từ dư luận. Cảm thấy “nản” trước câu chuyện tác quyền, một số người dân đã “hiến kế” cho nhau để thoát khỏi việc đóng phí này.

http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Nong-thu-phi-tac-quyen-o-khach-san-quan-ca-phe-446054/

Những ngày qua, nhạc sỹ Phó Đức Phương lại trở thành tâm điểm của câu chuyện bản quyền sau khi ông khẳng định: “Không cứ là khách sạn, đến cả việc siêu thị dùng âm nhạc để phục vụ khách hàng cũng phải trả tiền tác quyền”; “Kể cả bệnh viện, nếu có hoạt động kinh doanh, dùng bài hát phục vụ cho việc kinh doanh thì tùy vào việc dùng nhiều hay ít cũng phải trả tiền tác quyền cho tác giả”.

Sau tuyên bố của nhạc sỹ Phó Đức Phương, nhiều chủ khách sạn cảm thấy bức xúc; còn người dân chưa hiểu đầu đuôi ra sao đã vội phản ứng thái quá, thậm chí một số người còn “hiến kế” cho nhau để không bị Trung tâm của ông Phương “hỏi thăm”.

Ví dụ như, nhiều chủ khách sạn, chủ quán cà phê… chỉ bật nhạc dân ca, chèo… (đại ý nói đến những sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của dân gian, không phải thuộc sở hữu của riêng một người nào – PV). Có người còn đặt câu hỏi, bản quyền của một ca khúc thu tới bao giờ mới hết? Mỗi người một ý làm cho câu chuyện bản quyền, lẽ ra cần được thực hiện nghiêm túc và đúng luật, lại trở nên một câu chuyện có phần “bi hài” ở nước ta.

Trước phản ứng từ dư luận trong câu chuyện thu tiền tác quyền âm nhạc với tivi trong phòng khách sạn, Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) đã phải yêu cầu VCPMC tạm dừng thu. Tuy nhiên, tình hình chưa lắng xuống thì câu chuyện chủ quán cà phê yêu cầu VCPMC trưng giấy ủy quyền tác giả khi thu tiền tác quyền… lại trở thành đề tài bàn luận của nhiều người.

Trước tình hình đó, lãnh đạo VCPMC đã tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội để giải đáp các câu hỏi của phóng viên xung quanh câu chuyện đang nóng này.

Tại cuộc gặp này, ông Phương cho rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài quyền nhân thân, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm còn có thêm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền kiểm soát tác phẩm của mình trên mọi lĩnh vực phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền nhập khẩu, phân phối sản phẩm sang nước ngoài.

Trước sự bất hợp tác của các chủ kinh doanh nói riêng và người dân nói chung, ông Phương vẫn giữ lập trường của người đứng đầu VCPMC. Theo ông, việc thu phí đều dựa trên nền tảng luật pháp, mà cụ thể là tham khảo công ước Berne, hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như các điều luật này đều áp dụng vào đời sống thực tiễn tại Việt Nam.

“Toàn bộ cá nhân, tập thể, kinh doanh ở lĩnh vực nào không biết, nhưng đã sử dụng âm nhạc trong lĩnh vực của mình nhằm phục vụ cho công việc kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền.

Sử dụng tác phẩm nghĩa là sử dụng tài sản của tác giả để kinh doanh thì phải nghĩ đến chủ nhân của chúng chứ”, ông Phương nhấn mạnh. Ông Phương đặt ra câu hỏi, việc các chủ cơ sở kinh doanh phản ánh đến báo chí là do không hiểu thật hay cố tình không hiểu?

Đành rằng, VCPMC chỉ thu phí tác quyền với những tác giả ủy quyền với VCPMC, nhưng phía người sử dụng, làm sao họ biết được tác phẩm nào của tác giả nào thuộc phạm vi thu phí của VCPMC? Trước một số ý kiến cho rằng, phía VCPMC phải có giấy ủy quyền của tác giả mới được thu tiền tác quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng đây là một việc không cần thiết. 

Theo lí giải của ông Phương, VCPMC đại diện cho gần 4.000 tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước ngoài… (khoảng 4 triệu tác giả thế giới). VCMPC không thể mỗi lần đi thu phí tại một địa điểm lại mang xe tải chở đi mà đối chứng được.

Lãnh đạo VCMPC cho rằng, các cơ sở kinh doanh, chẳng hạn quán cà phê, có thể tự giác cung cấp các tác phẩm âm nhạc đã sử dụng. Sau đó, VCPMC sẽ về đối chứng với các hợp đồng của các tác giả đã ký với VCPCM để thu phí.

Đến thời điểm hiện tại, theo bảng giá mà VCPMC đưa ra trên trang web của mình, có mục 3 dành cho khách sạn, khu nghỉ mát, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng.

Trong đó, mục 3.5 có ghi: “Tại khu vực sảnh, lễ tân, hàng lang, văn phòng, cửa hàng - khu mua sắm, CLB thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ, bãi đỗ xe… có sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình”. Biểu giá đi kèm cho mục này sẽ tính theo m2 diện tích sàn. Diện tích từ 1-200 m2 có mức thu nhuận bút 1 triệu đồng/năm. Mỗi m2 tăng thêm sẽ tính 4.000 đồng/năm. Ông Phương khẳng định: “VCMPC sẽ không dừng thu”.

“Chúng tôi thực hiện trên tinh thần cầu thị, vô cùng cẩn trọng, nhưng trước những ý kiến trái chiều về việc thu tiền tác quyền đối với các phòng khách sạn sử dụng tivi, chúng tôi tạm dừng lại để tham khảo các nước trên thế giới, xây dựng cơ sở nội dung để giải thích cho kỹ lưỡng, các phần còn lại vẫn làm như thường.

Theo đó, quán cà phê, quán bar… chỗ nào có âm nhạc là thu vì ở đây là những chỗ đã rất rõ ràng, việc thu tác quyền là hiển nhiên. Theo đó, việc thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê không có chuyện dừng lại”, ông Phương nhấn mạnh.

Luật sư, Thạc sỹ Võ Ngọc Dao – Công ty Luật TNHH ATD - Đoàn Luật sư Hà Nội: Để thực thi tác quyền hiệu quả, cần những bước đi văn minh

Trước hết, ta cần tóm tắt lại vấn đề như sau: Tác phẩm âm nhạc;  ca sỹ thực hiện; tổ chức ghi âm thành đĩa nhạc rồi bán đĩa ra thị trường.

Như vậy, ở đây xuất hiện ba quyền: quyền của tác giả- tác phẩm âm nhạc, quyền của người biểu diễn. Nếu đĩa nhạc bán cho người tiêu dùng phục vụ cho chính mục đích phi lợi nhuận như để nghe, tặng… thì không vấn đề gì.

Luật sư, Thạc sỹ Võ Ngọc Dao.
Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nhưng khi sử dụng đĩa nhạc đó để phát tại những khu vực nhằm mục đích phục vụ kinh doanh thì sẽ có khả năng phải trả tiền bản quyền do việc sử dụng thứ cấp này. Đây chính là “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” quy định tại Điều 20.1d Luật SHTT và Đ23.1 Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006.

Chúng ta cần lưu ý rằng, để áp dụng điều này thì việc biểu diễn tác phẩm phải là “Biểu diễn trước công chúng”. Vì vậy, chỗ nào thuộc phạm trù “công chúng” mới bị thu tiền phí bản quyền.

Trong trường hợp này, việc sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình “Tại khu vực sảnh, lễ tân, hành lang, văn phòng, cửa hàng - khu mua sắm, CLB thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ, quán cà phê, nhà hàng, bar, bãi đỗ xe…” thuộc quy định nêu trên.

VCPMC chỉ được thu phí quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên. Mức phí thu tiền bản quyền là do thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ dân sự, không được tự áp đặt. Mức phí tính theo diện tích cũng không hợp lý, không phản ánh đúng mức doanh thu của cơ sở, mà mức phí dựa trên doanh thu của cơ sở thì hợp lý hơn.

Ở các nước họ cũng áp dụng phương thức thu phí như trên. Thực ra là Việt Nam đang học và áp dụng công tác thực thi quyền tác giả của thế giới. Trên thế giới, phí bản quyền sẽ được trả cho chủ sở hữu quyền tác giả - ca sỹ - hãng ghi âm theo thoả thuận.

Nếu không có thoả thuận, thông thường sẽ theo tỷ lệ Chủ sở hữu quyền tác giả: 50%; Ca sỹ và Hãng ghi âm: 50%. Tuy nhiên, để thực thi pháp luật về quyền tác giả có hiệu quả nhất cần có những bước đi thích hợp, văn minh, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều phía và dư luận xã hội.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Nghệ sỹ nhận được tiền bản quyền cũng “nản” vì lùm xùm

Tôi nghĩ, khi nhạc sĩ Phó Đức Phương đi gõ cửa các đơn vị để thu tiền tác quyền thì ông ấy có cái lý của mình, lý ở đây là Luật Bản quyền quốc tế. Vấn đề là cách làm như thế nào để mỗi khi nói đến chuyện bản quyền, thu phí bản quyền không còn những chuyện lùm xùm không đáng có.

Theo tôi, trước khi muốn thu một khoản phí nào đó, bên Trung tâm ông Phương phải thông tin cho đối tượng bị thu hiểu, sau đó giải đáp các thắc mắc của họ rồi mới thu phí, như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Tôi nhớ Luật Bản quyền Quốc tế có từ năm 1937, người Mỹ  dẫn đầu thế giới về việc thực hiện luật bản quyền, vì họ tôn trọng sự sáng tạo của con người, còn chúng ta bao nhiêu năm rồi, chúng ta đã làm được gì để bảo vệ bản quyền cho các nhạc sĩ?

Những sự lùm xùm, những tranh cãi từ phía VCPMC và giới truyền thông cùng các đối tượng thu phí khiến những nhạc sĩ, trong đó có tôi, cảm thấy nản khi nhận được tiền bản quyền. Vì thế, tôi nghĩ, phía VCPMC nên xem lại cách làm có “thẩm mỹ” hơn bởi chúng ta đang bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ, cho những sáng tạo, họ có tự trọng và đáng được tôn trọng hơn thế.

Kiểu như VCPMC bây giờ là đang đi “đòi tiền dạo”, như thế chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Tôi được biết, hiện nay chúng ta mới chỉ thu được 15% tiền bản quyền thôi, quá bèo bọt. VCPMC cần có danh sách hợp đồng các tác phẩm, tác giả, gói các công ty sản xuất, phát hành sở hữu các tác phẩm, tác giả, sản phẩm...

Dùng một phần mềm nào đó để quản lý rồi ngẫu nhiên kiểm tra cái nào không trả tiền bản quyền thì phạt nặng. Chứ với kiểu làm thế này, với tư duy thiếu tôn trọng sự sáng tạo, quen xài của chùa như ở Việt Nam thì còn lâu chúng ta mới minh bạch được vấn đề bản quyền âm nhạc.

Hà – Dung - Báo An ninh Thế giới

Báo An ninh Thế giới