26/05/2018 12:00

Nhiều người trẻ thiếu nhận thức về hậu quả của hành vi

Làm cách nào để kiềm chế sự gia tăng của tội phạm do nguyên nhân xã hội (NNXH) là bài toán nan giải. Nhân Dân hằng tháng ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư, đại diện cơ quan quản lý, chính quyền cơ sở về những đề xuất, kiến giải từ thực tiễn.

http://nhandan.com.vn/hangthang/item/36515202-nhieu-nguoi-tre-thieu-nhan-thuc-ve-hau-qua-cua-hanh-vi.html


Luật sư tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội).


GS, TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng & An ninh của QH:
Bịt kín các lỗ hổng pháp luật, chống biểu hiện tha hóa đạo đức, nhân cách.

Những quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm do NNXH khá đầy đủ và toàn diện. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, tội cố ý gây thương tích chia thành nhiều khoản, thậm chí còn quy định người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí, a-xít và hóa chất nguy hiểm có thể bị xử lý hình sự chứ không cần gây hậu quả vật chất; Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có nhiều điểm tiến bộ góp phần phòng ngừa hiệu quả. Đòi hỏi đặt ra là thường xuyên rà soát các luật, bộ luật quan trọng để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế, kịp thời phát hiện những nguyên nhân phát sinh tội phạm; bịt kín các lỗ hổng pháp luật.

Thực tế nhiều nơi, vẫn còn những thiếu sót trong quản lý Nhà nước về cư trú, dịch vụ nhà trọ, cầm đồ, internet, game trực tuyến, quản lý vũ khí thô sơ, hung khí nguy hiểm (80% vụ án xảy ra trên đường phố hung thủ dễ dàng có được dao găm, dao bấm, mã tấu... để giải quyết mâu thuẫn), trong quản lý chất cấm, chất gây nghiện (lứa tuổi nào cũng dễ dàng mua được bia, rượu tạo xúc tác kích động gây gổ, hành xử bạo lực) nên cần có chế tài chặt chẽ hơn. Theo đó, các chủ kinh doanh phải tuân thủ nghiêm quy định không cho người chưa thành niên tự do thuê phòng nghỉ tại nhà nghỉ, phòng trọ, khách sạn mà không có đủ điều kiện chính đáng; xử phạt nặng những trường hợp vi phạm trong bán bia, rượu, thuốc lá; cung cấp game, website, các trang mạng xã hội, văn hóa phẩm có nội dung, hình ảnh bạo lực; nghiêm cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, phương tiện dân dụng, đồ chơi nguy hiểm, chỉ bán cho các cơ sở có đúng giấy phép kinh doanh, cho người thành niên, có đủ năng lực dân sự và bán đúng nơi quy định.

Mặt trái cơ chế thị trường khiến thiết chế xã hội quá chú trọng dùng yếu tố pháp luật (bao trùm những cái chung mang tính cưỡng chế) để điều chỉnh hành vi, các hiện tượng tiêu cực mà ít quan tâm sử dụng những quy phạm xã hội như quy phạm về đạo đức, phong tục tập quán, tôn giáo (có thể thấm đến từng tế bào xã hội). Nhiều nghiên cứu minh chứng, trước đây tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra ở nông thôn ít hơn thành phố bởi phần nào chịu sự tác động giáo dục từ những quy phạm xã hội; gần đây nhiều địa phương có số vụ xảy ra khá cao và nguyên nhân do ý thức đạo đức kém, thái độ xử sự không đúng, thiếu tôn trọng chuẩn mực xã hội. Vì vậy, cần chống những biểu hiện tha hóa về đạo đức, nhân cách, loại bỏ thói quen xấu là mầm mống thúc đẩy hành vi phạm tội như chửi bới, lăng nhục, đối xử tệ bạc, lối sống buông thả, rượu chè, cờ bạc...


TS Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ.

Thực tế hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn bất cập, do đó phải tiến hành liên tục, nội dung phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ bằng trực quan sinh động, “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao. Thông qua các buổi tọa đàm, thi tìm hiểu, diễn đàn trao đổi, website, bản tin của Đoàn, hội, sự kiện truyền thông của câu lạc bộ thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Xét xử lưu động có tác dụng răn đe đồng thời giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa.

Để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi trình báo về hành vi quá khích, bạo lực, tụ tập gây mất an ninh trật tự, mâu thuẫn tiềm ẩn trong cộng đồng,... ngoài bằng công văn, giấy tờ mất nhiều thời gian thì công an mỗi phường, xã cần có đường dây nóng và bố trí trực 24/24 giờ kịp thời xử lý. Mặt khác, nhiều người không nhờ luật sư tư vấn, giúp hóa giải những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày như liên quan đến di sản thừa kế, ly hôn, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng... trong khi luật sư căn cứ quy định pháp luật giải thích cho người dân hiểu hành vi của họ đang thực hiện là đúng hay sai, có thể sử dụng biện pháp nào để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình; khuyên bảo những người trong cuộc trên cơ sở mối quan hệ tình cảm gia đình, hợp tác kinh doanh có thái độ bình tĩnh khi đối mặt mâu thuẫn và cư xử thích hợp, ưu tiên hòa giải nội bộ trước, không thể giải quyết được mới khởi kiện.


Luật sư Võ Ngọc Dao, Giám đốc Công ty Luật TNHH ATD (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là một biện pháp quan trọng.

Xét về mặt tâm lý, những người trẻ phạm tội thiếu nhận thức về hậu quả của hành vi, luôn tự biện minh rằng những tác động không quá nghiêm trọng như người khác nghĩ. Trong lý trí, họ luôn tin rằng hành động tội phạm “có lợi” hơn hoặc thoát khỏi những tình huống khó chịu nhanh chóng hơn là hợp lý nhất trong bối cảnh đó.

Phụ huynh dùng các biện pháp giáo dục bạo lực với con cái tạo cho chúng nếp nghĩ đó là điều bình thường và dần nhập tâm thành những khuôn mẫu hành vi ứng xử và xu hướng thể hiện bạo lực bắt đầu được gieo mầm. Khi con bước vào giai đoạn dậy thì, thay đổi tâm sinh lý lại có nhiều vấn đề hành vi, học kém mà cha mẹ thiếu chỉ bảo, giám sát, thậm chí buông xuôi khiến chúng cảm thấy thù ghét gia đình, trường học và bị bạn học coi thường nên phản ứng bằng cách thu mình lại, đè nén các cảm xúc tiêu cực để rồi bùng nổ khi có một kích thích quá ngưỡng, thậm chí phá phách, gây chú ý, thể hiện mình có “uy”.

Do đó, cần truyền thông về phương pháp làm cha mẹ tích cực; kỹ năng quản lý lớp học hiệu quả và chiến lược kỷ luật tích cực cho giáo viên. Có chế tài đưa việc “dạy làm người/dạy để chung sống” trở lại đúng vị thế của nó bằng cách chú trọng môn giáo dục công dân, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông để tác động vào các yếu tố tâm lý cá nhân tiêu cực. Quan tâm trang bị những kỹ năng cần thiết như thoát hiểm, tồn tại, thể hiện bản thân, chịu trách nhiệm về những điều mình nói và làm; dạy kỹ năng sống an toàn, phòng chống bắt nạt, quấy rối trên mạng internet và qua các phương tiện công nghệ. Kịp thời phát hiện và can thiệp những cá nhân tổn thương sức khỏe tâm thần, tránh gây hậu quả đáng tiếc xảy ra.


TS Trịnh Hòa Bình: Cần có bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng.
 

Dưới góc độ xã hội học, mỗi người thường tồn tại cả tính thiện và ác, khi tính thiện có môi trường thuận lợi phát triển tích cực lấn át tính ác và ngược lại.

Hiện nay mặt bằng dân trí cao hơn, nhận thức pháp luật tốt hơn nhưng nhiều người vẫn phạm tội vì lối sống vị kỷ gia tăng, ý thức trách nhiệm với cộng đồng kém, chưa kể tác nhân khi trong xã hội cái xấu, cái ác chưa bị nghiêm trị thích đáng, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, rồi môi trường mạng xã hội, game online ngập tràn bạo lực, không ít bài báo giật gân, mô tả chi tiết theo kiểu “vẽ đường cho hươu chạy” vô tình gợi ý, kích động cách hành xử “mạnh được, yếu thua”. Ngay cả môi trường sư phạm vẫn xảy ra án mạng xuất phát từ thang bậc giá trị xã hội đang bị đứt gãy, thay đổi và đứng trước thách thức rất lớn trong bối cảnh chuyển đổi: cái cũ chưa xóa bỏ hoàn toàn, cái mới đang xây dựng vẫn chưa khẳng định được.

Xây dựng xã hội vì con người với các hệ giá trị tốt đẹp, khơi gợi chủ nghĩa nhân văn, coi trọng tình nghĩa, sống nhân ái, hòa thuận, biết chia sẻ, nhường nhịn rất cần thiết. Bên cạnh thiết chế giáo dục, thiết chế gia đình đóng vai trò quan trọng. Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu sẽ noi theo, các thế hệ biết bảo ban nhau làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình. Ở các cơ quan, đơn vị cần đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu trong ứng xử văn hóa.

Trong cộng đồng cần có những bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực để khuyến cáo tuân thủ và có quy định thưởng phạt rạch ròi, nghiêm minh. Đó chính là “cẩm nang” để mọi người thấm nhuần, thực hiện thuần thục như một nhu cầu tự thân, khi đối mặt với xung đột, tình huống phát sinh sẽ linh hoạt ứng biến đúng mực, không sơ sểnh, quá trớn.


Chủ tịch UBND phường Đội Cấn (Hà Nội) Nguyễn Thị Ánh Hồng: Tăng cường giải quyết triệt để mâu thuẫn từ cơ sở.

Mâu thuẫn, tranh chấp nếu giải quyết không tốt có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết, xung đột lan truyền, thậm chí xảy ra án mạng. UBND phường tham mưu cho Đảng ủy chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã hội sớm phát hiện mâu thuẫn dân sinh và chủ động hòa giải triệt để ngay từ cơ sở, phát huy vai trò đầu tầu của “cánh tay nối dài” như cán bộ mặt trận, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố... không chỉ dựa trên các quy định pháp luật mà còn chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử để tác động tới các bên, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Cán bộ hòa giải có thái độ cởi mở, chân thành, khéo léo, công tâm sẽ quyết định thành công.

Với những mâu thuẫn nghiêm trọng hòa giải không thành ở cơ sở, có phản ánh, khiếu nại, tố cáo gửi bộ phận một cửa thì UBND phường tiếp nhận và giải quyết đúng trình tự. Bản thân tôi trực tiếp hòa giải nhiều vụ việc phức tạp mà căn nguyên chỉ là những xích mích nhỏ nhặt thường nhật giữa các hộ dân như tranh chấp chỗ để xe, lối đi, đổ rác bừa bãi... Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, gặp riêng từng bên để phân tích đúng, sai và thuyết phục hai bên bớt “cái tôi”, biết lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín từ đó có phương án giải quyết thấu tình đạt lý là kinh nghiệm từ thực tế. Hòa giải là “phiên tòa không thẩm phán”, thủ tục đơn giản, không tốn kém, khi giải quyết kịp thời giảm bớt khiếu kiện nên cần tăng cường.

Dù đã có cơ chế nhưng kinh phí khen thưởng cán bộ có thành tích hòa giải ở cơ sở còn hạn hẹp, cần bố trí thêm nguồn để kịp thời động viên. Trong thời đại công nghệ số, có thể nghiên cứu áp dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân qua email, tin nhắn. Cảnh sát khu vực cần bám sát địa bàn, tích cực hướng dẫn, tư vấn để tổ hòa giải chủ động phát hiện, giải quyết ở khu dân cư, có mặt hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết và phối hợp chính quyền hòa giải các vụ việc âm ỉ, dai dẳng. Và giải pháp lâu dài là phát động toàn thể nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chung tay xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, từ đó giảm thiểu tội phạm do NNXH, giữ bình yên trên địa bàn.

 

Anh Tuấn (Báo Nhân dân)